The solar power project rushed to Ha Tinh, the provincial leaders wondered “really difficult to understand”!

Dân trí Cùng với 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 1 dự án đã phát điện, hiện hàng loạt dự án điện mặt trời khác đang được tỉnh Hà Tĩnh xem xét, phê duyệt. Việc các dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh khiến người dân ở đây lo ngại rừng sẽ bị thu hẹp diện tích, gây hệ lụy xấu đến môi trường.

Đổ xô xin làm điện mặt trời

Nếu như chỉ cách đây khoảng 5 năm, điện mặt trời còn là một khái niệm khá mới mẻ, chưa có trong các chương trình nghị sự phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, địa phương cũng chưa có doanh nghiệp nào liên hệ đầu tư, thì nay mọi sự đã thay đổi. Các nhà đầu tư hiện đổ xô về Hà Tĩnh để triển khai các dự án liên quan đến điện mặt trời.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, hiện tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án điện mặt trời ở 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Sơn. Trong số 3 dự án được cấp phép, thì Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa công suất 50 MWp- do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng từ tháng 1/2019 trên diện tích 60 ha, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng- đã chính thức hòa lưới điện quốc gia vào ngày 2/7 vừa qua.

Dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh băn khoăn “thật sự rất khó hiểu”! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư hòa lưới điện quốc gia vào ngày 2/7, là nhà máy điện mặt trời đầu tiên hoạt động tại Hà Tĩnh.

Ngoài 3 dự án được chấp thuận đầu tư, hiện Hà Tĩnh đang có 5 dự án điện mặt trời đang đề xuất bổ sung quy hoạch. Nếu được chấp thuận, Hà Tĩnh sẽ có 8 dự án điện mặt trời được triển khai. Theo một cán bộ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, trên thực tế số nhà đầu tư muốn triển khai dự án điện mặt trời tại tỉnh này còn lớn hơn rất nhiều.

Là dự án thân thiện với môi trường, lại phát triển trong bối cảnh địa bàn đã có hai dự án nhiệt điện công suất rất lớn của Công ty nhiệt điện Vũng Áng (1200MW, thiêu đốt 10.000 tấn than/ngày) và của Formosa với công suất 650MW, nên chủ đầu tư các dự án điện mặt trời được tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích, đón nhận.

Mặc dù vậy, một bộ phận nhân dân trên địa bàn tỉnh này lại đặc biệt lo ngại các dự án điện mặt trời sẽ xóa sổ một diện tích không nhỏ đất rừng, gây mất cân bằng sinh thái, làm tăng biến đổi khi hậu trong vùng và chiếm dụng đất rừng sản xuất.

Dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh băn khoăn “thật sự rất khó hiểu”! - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Người dân Hà Tĩnh lo điện mặt trời sẽ “ngốn” rừng sản xuất của người dân.

Tại Kỳ họp thứ X, Khóa 17 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, trong phiên chất vấn các vấn đề nóng đối với Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, hai đại biểu Bùi Nhân Sâm (Can Lộc) và ông Đoàn Đình Anh (Cẩm Xuyên) nêu ý kiến quan ngại điện mặt trời sẽ chiếm dụng đất rừng, gây nhiều hệ lụy.

Dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh băn khoăn “thật sự rất khó hiểu”! - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Đại biểu Đoàn Đình Anh

Các đại biểu này đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cần cân nhắc việc sử dụng đất rừng để triển khai dự án điện mặt trời, trong đó phải làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các dự án đối với rừng, đất rừng, tránh làm ồ ạt, khó kiểm soát.

“Không hiểu sao nhà đầu tư đổ xô vào làm?”

Trước lo ngại của người dân và các đại biểu, ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết: “Các dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn đều được các đơn vị chức năng thẩm định. Đó là những khu đất có hiệu quả thấp, xa dân…Còn những dự án đang đề xuất, thì tinh thần là không phá rừng để lấy điện mặt trời”.

Dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh băn khoăn “thật sự rất khó hiểu”! - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Hoàng Văn Quảng

Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trấn an người dân và các đại biểu rằng, trước khi chấp thuận triển khai các dự án điện mặt trời tỉnh đã xem xét kỹ quá trình rà soát đánh giá của các sở ngành, địa phương liên quan.

Mặc dù vậy, ông Thắng nhấn mạnh, lo ngại của đại biểu và người dân là không thừa, tỉnh sẽ tiếp tục có trách nhiệm chỉ đạo các sở ngành, địa phương khi chấp thuận, cấp phép các dự án điện mặt trời phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đến môi trường, dân sinh. “Phải bảo đảm không gây hại đến rừng mới cấp phép”- ông Thắng nói.

Dự án điện mặt trời đổ xô về Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh băn khoăn “thật sự rất khó hiểu”! - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Dương Tất Thắng

Một chi tiết đáng chú ý, mà theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu ra, đến nay cá nhân ông vẫn không hiểu được vì sao các nhà đầu tư lại đổ xô làm điện mặt trời.

“Thật sự là đến nay tôi không hiểu vì sao các nhà đầu tư lại đổ xô để làm điện mặt trời? Trước giá điện 10 họ cũng làm, nay còn 7-8 họ cũng vào xin làm. Thật sự rất khó hiểu”- ông Thắng cho hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *