Lắp điện mặt trời, gia chủ ngỡ ngàng vì hiệu quả thua xa kỳ vọng

Xây xong nhà, ông Tùng (quận 1, TP HCM) lên kế hoạch làm hệ thống năng lượng mặt trời trên mái. Mái nhà rộng 80m2, ông Tùng dự định lợp kín bằng các tấm pin năng lượng mặt trời, vừa có điện để sử dụng, vừa chống được nóng cho nhà. Điện dư ban ngày dùng không hết sẽ để dành dùng cho tối. Tuy nhiên, sau khi gõ cửa một công ty cung cấp các giải pháp điện năng lượng mặt trời tại TP HCM, ông đành bỏ ý định ban đầu. “Tôi cứ nghĩ đơn giản, lắp tấm pin năng lượng mặt trời thay ngói, đắt hơn chút tiền là được nhưng chưa hình dung ra toàn bộ hệ thống tốn kém thế nào. Trong khi đó, gia đình tôi đi vắng cả ngày, chỉ có mỗi cái tủ lạnh 300 lít dùng đến điện trong thời gian có nắng”. Nếu lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời trên toàn bộ mái nhà, ông sẽ phải bỏ ra từ 200 đến gần 400 triệu đồng, tùy theo áp dụng giải pháp hòa lưới hay sử dụng ắc quy lưu trữ, và thu được 45 kWh/ngày. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày nhà ông tiêu thụ khoảng 10-13 kWh. Số điện năng lượng mặt trời dư thừa, lưu vào ắc quy không được là bao nhưng lại khiến hệ thống chóng hỏng, còn không lưu lại thì cũng bị bỏ phí. Cuối cùng, ông đành chỉ lắp tấm pin năng lượng mặt trời 5m2, mất 25 triệu, để giảm khoảng 250 nghìn tiền điện mỗi tháng.
Ước tính chi phí ông Tùng phải bỏ ra nếu lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời trên toàn bộ mái nhà.
Ước tính chi phí ông Tùng phải bỏ ra nếu lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời trên toàn bộ mái nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, giảng viên Đại học Quốc gia TP HCM cho biết mình cũng từng gặp nhiều người tiêu dùng như ông Tùng, chưa hình dung được giá thành cho việc đầu tư. May mắn là hiện nay, chi phí đầu tư cho một hệ thống phát điện năng lượng mặt trời đã giảm, chỉ còn bằng 1/4 so với 5 năm trước. Hiện có 3 giải pháp để ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Thứ nhất là điện năng lượng mặt trời hòa lưới (điện mặt trời dư ra có thể bán lại cho công ty điện). Thứ hai là điện mặt trời độc lập (có bộ lưu trữ để sử dụng khi trời tối, mưa bão, không có bức xạ mặt trời…). Thứ ba là kết hợp cả hòa lưới và độc lập. “Tôi không bao giờ khuyên người tiêu dùng chọn cách sử dụng hoàn toàn điện mặt trời. Điều đó có thể thực hiện được, nhưng xét về kinh tế là thất bại. Bởi khi chúng ta lưu trữ điện mặt trời vào ắc quy để sử dụng (vào buổi tối, lúc không có bức xạ mặt trời)… thì kinh phí đầu tư rất cao, không tương xứng với kết quả thu được”, ông Cường cho biết. Hệ thống ắc quy lưu trữ để buổi tối sử dụng cần được sạc 14-16 tiếng. Tuổi thọ của ắc quy thường thấp, đặc biệt là thói quen sử dụng chưa đúng và chế độ bảo trì kém dẫn đến tuổi thọ hệ thống ngắn, hiệu quả thấp. Nếu được sử dụng đúng thì ắc quy sau 1000 lần sạc – xả cũng phải thay mới. Tốt nhất, người tiêu dùng chỉ nên đặt mục tiêu làm sao giảm được hóa đơn tiền điện hàng tháng. Với phạm vi hộ gia đình, buổi tối mới là lúc chúng ta sử dụng nhiều điện, nên điện năng lượng mặt trời nối lưới cũng chưa thực sự hiệu quả nếu không tính toán đến phương án bán điện cho Tập đoàn Điện lực. Chỉ các cao ốc văn phòng, siêu thị, khách sạn, các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện nhiều vào ban ngày… thì lắp hệ thống năng lượng mặt trời là có lợi nhất.
Nếu gia chủ đi vắng cả ngày, việc đầu tư điện năng lượng mặt không thực sự hiệu quả. Ảnh: solarpowerauthority.
Nếu gia chủ đi vắng cả ngày, việc đầu tư điện mặt trời không thực sự hiệu quả. Ảnh: solarpowerauthority.
Để tiết kiệm khi lắp đặt điện mặt trời, bạn không nên lắp công suất lớn quá nhu cầu sử dụng, đầu tư tốn kém mà không hiệu quả. Điện dư ra chỉ có thể bán cho điện lưới quốc gia. Hiện tại, công ty điện lực mua 2.086 đồng/kWh, nhưng có thể sau này giá mua sẽ giảm. Một gia đình chỉ nên lắp đặt một hệ thống điện mặt trời khoảng 1 – 3kWp. Với hệ thống 1kWp, chi phí đầu tư khoảng 25 triệu, diện tích cần để lắp đặt khoảng 5m2. Một ngày tiết kiệm được khoảng 4,5 số điện (khoảng 10.000 đồng) (tức là một năm tiết kiệm được khoảng 3,6-4 triệu đồng). Tất nhiên, cùng một hệ thống điện năng lượng mặt trời nhưng ở các khu vực khác nhau sẽ cho công suất và hiệu quả đầu tư sẽ khác. Ví dụ, đầu tư một hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 1 kWp, thời gian hoàn vốn tại Nam bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là 7-8 năm thì tại miền Bắc có thể lên đến 10-12 năm do hệ số bức xạ mặt trời ở miền Bắc thấp hơn. Ở cùng vị trí, lắp đặt tại mặt đứng (tại hướng Nam/Đông Nam hay Tây Nam) hiệu suất chỉ bằng 60-80% so với lắp trên mái. “Kể cả khi bán điện không phải là mục tiêu nhưng bạn vẫn nên lắp đặt một đồng hồ hai chiều nếu có thể, để khi chúng ta không sử dụng hết điện, có thể bán cho điện lưới. Bởi nếu không lắp đồng hồ hai chiều, khi điện dư, bạn đã ‘tặng’ cho công ty điện mà không biết”, ông Cường khuyên. Sau khoản đầu tư ban đầu, để sử dụng điện mặt trời, các hộ gia đình không phải tốn thêm chi phí về sau. Tuy nhiên, định kỳ bạn nên vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời cho khỏi dính bụi bẩn để hệ thống đạt hiệu suất cao nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *